Hành vi tự hủy hoại hiệu suất và 5 cách khắc phục
Đã bao giờ bạn rơi vào tình trạng tự hủy hoại hiệu suất của mình chưa? Nguyên nhân của hành vi tiêu cực đó là gì? Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ biết mình cần làm gì để thay đổi tình trạng đó.
Bạn đã bao giờ khổ sở vì không có khả năng hoàn thành đủ việc chưa? Bạn dần bị căng thẳng do quá tải, rồi đột nhiên mất ngủ và phải chống chọi với cảm giác mình là kẻ thất bại. Tệ hơn nữa, lo âu thường xuyên còn ngăn chặn khả năng hoàn thành công việc của bạn, do vậy bạn hoàn thành ít việc hơn và lo lắng dần trở thành một cái vòng luẩn quẩn.
Sự thật cay đắng đó là có thể bạn đang tự cản trở chính mình. Bạn đang tự hủy hoại bản thân và hiệu suất của mình. Nhưng tại sao bạn lại làm điều đó?
Tại Sao Bạn Tự Hủy Hoại Bản Thân?
Khái niệm tự hủy hoại hoặc tự cản trở bản thân là một thuật ngữ dùng cho những lúc bạn cố ý thực hiện một hành động ngăn cản mình tiến bộ. Nói đơn giản, tự hủy hoại bản thân là khi một phần tính cách của bạn hành xử mâu thuẫn với một phần tính cách khác của bạn.
Một ví dụ kinh điển của việc này là lãng phí 1 tiếng lướt Facebook trong khi thời hạn dự án công việc thì rất gần kề. Thường thì bạn không thể giải thích tại sao mình làm như vậy, nhưng bạn vẫn ngồi đó, truy cập mạng xã hội lần nữa vào phút chót.
Thú vị thay, các cuộc nghiên cứu đã liên kết hành vi tự hủy hoại với tự bảo vệ bản thân. Về cơ bản, khi bạn làm điều gì đó ngược lại với điều bạn nên làm, bạn đã tự cho mình một yếu tố bên ngoài để đổ lỗi. Thay vì tự trách về bất kỳ “thất bại” nào mình có thể gánh vác, giờ đây bạn đã có một lối thoát hoặc lý do khác để giải thích vì sao bạn không hoàn thành việc gì đó.
Theo cách diễn giải này, thất bại của bạn không phải là hậu quả của việc bạn không có năng lực. Thay vào đó, nó là kết quả của việc bạn “chọn” tập trung năng lượng vào nơi khác. Trong tình huống này, lòng tự trọng của bạn không bị ảnh hưởng.
Hành vi tự hủy hoại bản thân có vẻ hợp lý, nhưng điều đó không có nghĩa bạn đang làm việc gì có ích cho mình.
Tác Động Lâu Dài Của Việc Tự Hủy Hoại Bản Thân
Một số nghiên cứu cho thấy hành vi tự hủy hoại bản thân dẫn đến một vòng lặp động lực tiêu cực. Nói cách khác, càng mắc kẹt vào hành vi tự hủy hoại, bạn càng ít có động lực hơn khi cần hoàn thành một việc vào lần tới.
Mỗi lần nỗ lực thất bại, bạn lại “chứng minh” rõ ràng với bản thân rằng mình không có khả năng hoàn thành công việc. Kiểu hành vi này có thể có tác động lâu dài đến hiệu suất của bạn.
Ngoài ra, bạn còn thường xuyên có nguy cơ làm việc với phẩm chất thấp. Nếu vì trì hoãn mà bạn buộc mình làm việc với thời hạn sát sao như vậy, thì bạn biết rằng kết quả lẽ ra có khả năng tốt hơn nhiều. Vài nghiên cứu còn liên kết bộ não của những người có mức độ tự hủy hoại cao với bệnh trầm cảm.
Làm Thế Nào Để Chấm Dứt Hành Vi Tự Hủy Hoại
Hầu hết các hành vi tự hủy hoại biểu hiện qua hình thức trì hoãn “xưa như trái đất”, một hành vi không còn xa lạ với bất kỳ ai. Có một vài cách giải quyết giúp bạn thoát khỏi vòng lặp trì hoãn mang tính tự hủy hoại.
1. Tập trung hoàn toàn trong khoảng thời gian ngắn
Kỹ thuật Pomodoro là phương pháp tập trung cao độ mỗi lần 25 phút. Khi đặt giới hạn thời gian cố định cho công việc, bạn dễ tập trung hoàn toàn và buộc mình không kiểm tra Facebook. Thêm vào đó, nhiều người ủng hộ Pomodoro nói rằng họ thường thấy mình tiếp tục tập trung lâu hơn khoảng thời gian 25 phút đã ấn định, vì họ đã bước vào trạng thái tập trung thành công.
2. Thay đổi môi trường quanh bạn
Vô số nghiên cứu cho thấy môi trường xung quanh ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bạn theo nhiều cách tinh vi. Lấy ví dụ, bạn có biết sự khác biệt rõ ràng về cảm xúc khi làm việc đối diện bức tường màu xanh so với bức tường màu đỏ? Hoặc nhiệt độ máy điều hòa có thể góp phần làm giảm hiệu suất.
3. Ghi lại những thời điểm bạn làm việc với hiệu suất cao nhất và thấp nhất
Hãy thử vài cách thức sáng tạo để tập trung vào những thời điểm bạn hiệu quả nhất trong ngày. Mọi người đều khác nhau, và cách duy nhất để biết “giờ vàng” của bạn là chăm chỉ ghi lại những khoảng thời gian bạn có hiệu suất cao nhất và thấp nhất trong một vài ngày. Để thực hiện theo cách này, bạn nên tận dụng bảng tính và biểu đồ. Khi hiểu bản thân mình hơn, bạn sẽ có thể tận dụng những thời điểm hiệu quả đó và nghỉ ngơi khi cần thiết.
4. Sử dụng quy tắc 2 phút
Chuyên gia về hiệu suất James Clear ủng hộ quy tắc 2 phút. Triết lý của anh là nếu một công việc mất ít hơn 2 phút để hoàn thành thì bạn nên làm việc đó ngay. Như vậy, bạn có thể xử lý những việc nhỏ mà mình liên tục trì hoãn. Anh cũng chia sẻ về việc bắt đầu thói quen mới, mỗi lần chỉ thực hiện thói quen đó trong 2 phút. Bằng cách đó, bạn sẽ không trì hoãn việc bắt đầu. Theo anh, thường thì bạn sẽ tiếp tục lâu hơn 2 phút đã ấn định.
5. Tắt thông báo điện thoại và giới hạn số lượng thẻ trong trình duyệt
Nghe có vẻ khó, nhưng các nghiên cứu cho thấy mỗi một tiếng thông báo nhỏ đều phá hủy khả năng tập trung của bạn. Điện thoại có lẽ là vật dụng có khả năng thôi thúc bạn tự hủy hoại nhiều nhất, và tệ hơn, khoa học nói rằng việc kiểm tra điện thoại là cách giúp bạn cải thiện tâm trạng tạm thời. Chú ý: khoa học cũng nói rằng sự cải thiện này không kéo dài.
Các thẻ trong trình duyệt cũng góp phần gây ra sự thiếu tập trung và là một trong những thủ phạm dễ khiến bạn tự hủy hoại nhất. Các thẻ “xếp hàng” sẵn, chờ bạn ấn chuột và truy cập những nơi gọi chung là“những việc bạn không nên làm lúc này.”
Tự hủy hoại bản thân thường là kết quả của cảm nhận tiêu cực về bản thân mà bạn vốn có. Việc điều chỉnh hành vi và thói quen có thể thay đổi cách bạn nhìn nhận bản thân và hiệu suất của bạn một cách hiệu quả. Càng cảm thấy tích cực về khả năng của mình, bạn càng ít có khả năng tự cản trở mình thành công.
📝 Sưu tầm